25/10/2019
Lượt xem: 558
Định giá tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khởi nghiệp
Trong xu thế phát triển và hội nhập
kinh tế hiện nay, tài sản trí tuệ được coi như là một tài sản lớn, hữu ích ngày
càng được các doanh nghiệp coi trọng. Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ và đặc
biệt là quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản
xuất và kinh doanh, lưu thông hàng hóa của mỗi doanh nghiệp.
Hiện nay quyền sở hữu trí tuệ được
thừa nhận là một loại tài sản của các doanh nghiệp. Giá trị của mỗi tài sản trí
tuệ là khác nhau. Các doanh nghiệp khi sử dụng tài sản trí tuệ của họ vào việc
góp vốn, ký hợp đồng li-xăng, chuyển nhượng, liên doanh, sáp nhập doanh nghiệp,…
thường phải tiến hành đánh giá và định giá tài sản trí tuệ. Có 03 phương pháp chủ
yếu định giá tài sản trí tuệ, gồm:
- Phương pháp dựa vào thu nhập:
theo phương pháp này tài sản trí tuệ sẽ được định giá dựa vào nguồn thu nhập
ước tính mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể nhận được trong thời gian có
hiệu lực của quyền sở hữu trí tuệ.
- Phương pháp dựa vào chi phí:
theo phương pháp này tài sản trí tuệ sẽ được định giá dựa vào hai loại chi phí tái sản xuất và
chi phí thay thế.
- Phương pháp dựa vào thị trường:
tài sản trí tuệ được định giá theo phương pháp này dựa vào việc bên thứ ba sẵn
sàng bỏ tiền ra để mua hoặc thuê tài sản trí tuệ.
Để làm rõ vấn đề định giá tài sản
trí tuệ, trong khuôn khổ sự kiện Chợ Công nghệ - Thiết bị và Ngày hội Khởi
nghiệp Đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, chiều ngày
23/10/2019 Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Định
giá tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khởi
nghiệp”. Hội thảo có sự tham gia chia sẻ thông tin đến từ các diễn giả ông Trần
Giang Khuê, Phó Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí
Minh; bà Phan Thị Châu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Vĩ
Long; ông Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá Khoa học và Định giá
Công nghệ.
Hình
ảnh Hội thảo
Theo bà Phan Thị Châu, việc định
giá tài sản trí tuệ bằng phương pháp nào là do doanh nghiệp quyết định, theo đó
việc định giá tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu khoa học và giá trị dự án
thương mại hóa. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý các vấn đề sau:
- Cần có sự xem xét giữa các bên
về quyền sở hữu khi Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa
học trên cơ sở hợp tác giữa tổ chức đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính
và tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ;
- Thỏa thuận cách thức xác định
quyền tác giả khi các quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;
- Thẩm định giá tài sản trí tuệ
trong mọi trường hợp chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng. Tái thẩm định khi
có yếu tố tác động đến giá trị thị trường của tài sản.
Nhìn chung, Hội thảo đã cung cấp
cho các doanh nghiệp một cái nhìn tổng thể về tài sản trí tuệ và định giá tài
sản trí tuệ trong nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khởi nghiệp.
(Ảnh đại diện từ Internet)
Nguyễn
Phạm Thu Hiền